Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Ba 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 2    
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

Linh mục Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc

CHÚA NHẬT XV TN B:

Trong sinh hoạt của giáo phận hoặc các nhà dòng, cứ vào dịp hè, các cha các thầy, các sơ thường quan tâm đến việc bổ nhiệm, thuyên chuyển. Có những người từ thành thị về thôn quê, có người từ vùng sâu ra thành thị, có người mới chuyển được một hai năm nay lại tiếp tục lên đường. Ngược lại, có những người đã làm việc nhiều năm nhưng vẫn chưa được thuyên chuyển. Có những người lên đường trong vui vẻ vâng lời, nhưng cũng không ít người ra đi trong tiếc nuối ngại ngùng; Và, cũng có một vài trường hợp, tìm cách níu kéo, chần chừ, không muốn ra đi.

Thưa quý OBACE, căn cốt người môn đệ là người được tuyển chọn và sứ mạng của người môn đệ là làm theo lệnh sai đi. Vì nếu không làm theo lệnh sai đi, thì việc làm của người đó chỉ là việc làm mang tính cá nhân, thỏa mãn sở thích của mình, không còn phải là việc của Giáo Hội nữa. Vì được gọi và được sai đi, nên dù công việc của người môn đệ thành công hay thất bại đều là việc của Chúa và của Giáo Hội, “thành công không kiêu, thất bại không nản”.

Trong thực tế, người môn đệ khi được sai đến một môi trường mới, không phải lúc nào cũng thành công, trái lại có nhiều lúc thất bại ê chề, nhưng người đó vẫn bằng an vì biết mình đang làm việc của Chúa, làm theo ý Chúa. Cũng có thể trong mắt của người đời, người môn đệ dường như bị thất bại, nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài có thể biến sự thất bại của người này thành ích lợi cho người khác.

Lần đầu tiên khi thi hành sứ mệnh được trao, rao giảng, kêu gọi dân Israel sám hối, tiên tri Amos đã không thành công. Ông không chỉ bị từ chối, mà còn bị dân chúng xua đuổi, mỉa mai. Tiên tri Amos là người miền Nam xứ Giuđêa. Ông được Chúa gọi đi làm ngôn sứ, cảnh báo về lối sống sai lệch của người miền bắc là Israel. Vương quốc Israel lúc đó phát triển về xã hội, kinh tế, cuộc sống giàu có xa hoa. Cùng với sự phát triển kinh tế là sự suy thoái về đời sống đạo đức, sống gian dối, làm ăn bất công lươn lẹo, bỏ rơi người nghèo khổ. Người dân đã từ bỏ giới răn lề luật của Thiên Chúa và sống theo những thói tục dân ngoại. Tiên tri Amos được Chúa gọi và sai đến để cảnh tỉnh nhà vua, các tư tế và dân chúng về lối sống sa đọa đó. Dân Israel đã không nghe mà còn tìm cách trục xuất Amos. Họ nói với ông: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa, quê ông mà kiếm ăn và giảng dạy ở đó. Đừng hòng mà hoạt động ở đất Bêthel này”. Tiên tri Amos đã trả lời: “Tôi không phải là nhà ngôn sứ, gia đình tôi cũng không thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn cừu và hái lá sung. Nhưng Chúa bắt lấy tôi và nói với tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta’. Và tôi đã đi. Câu trả lời của Amos cho thấy ông được sai đi là để nói lời của Chúa và ý của Chúa cho dân. Vì thế, ông đi theo lệnh của Chúa và nói là nói những gì Chúa muốn. Chúa dùng ông như một dụng cụ của Chúa và ông chỉ như một đầy tớ hoàn toàn vâng phục ý Chúa. Đó chính là thái độ mà người ngôn sứ phải có, là sẵn sàng để cho Chúa sử dụng môi miệng, cả con người, sức lực và khả năng của mình theo ý Chúa.

Tin Mừng Marcô cho thấy, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu còn đòi hỏi gắt gao hơn nữa. Chúa sai từng hai người một và dặn các ông: “Không mang gì, trừ cây gậy, không mang lương thực, bao bị, tiền bạc”. Sai từng hai người làm thành một nhóm để cho thấy lời các ông rao giảng là lời đáng tin và việc làm của các ông có người làm chứng là chân thật. Sai từng hai người đi, để cho thấy các ông không ra đi trong lẻ loi đơn độc, nhưng làm việc với những anh em cùng chung sứ mạng. Như thế, cho dù các ông thành công hay thất bại, các ông sẽ không nản lòng cũng không kiêu ngạo, không tìm kiếm thành công hay vinh dự cho cá nhân, mà là của tập thể. Các ông cũng không phải mang lương thực bao bị tiền bạc, không mang hai áo, vì các ông ra đi trong sự quan phòng phó thác cho Chúa. Các ông không phải bận tâm về nhu cầu cuộc sống cá nhân vì Chúa sẽ lo liệu cho các ông. Như thế, Chúa muốn những kẻ được sai đi phải dám sống trong sự tin tưởng phó thác hoàn toàn cho Chúa, không cậy dựa vào các thế lực hay tham lam vật chất, danh vọng trần gian và phải dám sống khó nghèo.

Chúa cũng dặn các ông: “Khi vào nhà nào, anh em hãy ở lại đó cho đến khi ra đi. Nơi nào người ta không đón tiếp anh em, thì hãy ra khỏi đó và giũ bụi chân trả lại cho họ”. Lời dặn này có nghĩa là người tông đồ được sai đến với những con người và với các hoàn cảnh sống của gia đình và xã hội. “Hãy ở lại đó cho đến khi ra đi”, là để có thể thực sự hiểu và chia sẻ với cuộc sống của các gia đình. “Ở lại nơi đó”, còn có nghĩa là vui lòng đón nhận các hoàn cảnh khác nhau của nơi mình được sai đến, không chọn lựa hay tìm kiếm sự thoải mái tiện nghi, không đứng núi này nhìn núi khác. Nơi nào người ta không đón tiếp thì hãy ra khỏi đó và giũ bụi chân trả lại. Như vậy, Chúa cũng muốn nói trước với các tông đồ, khi thi hành sứ mạng không phải lúc nào các ông cũng thành công hoặc được mọi người đón tiếp, trọng kính. Nhưng sẽ có khi các ông gặp thất bại, bị từ chối hoặc chống đối. Trong những trường hợp đó, các ông vẫn giữ được sự bình an và niềm vui trong tâm hồn vì mình đã làm việc của người được sai đi. Tin Mừng cũng cho thấy sự thành công bước đầu của các môn đệ: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Các ông trừ nhiều quỷ và xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”. Câu kết luận này cho thấy, những người được Chúa sai đi đã làm những việc Chúa Giêsu đã làm và kêu gọi những điều Chúa Giêsu kêu gọi. Nói khác hơn, những người được sai đi đã trở thành hiện thân của Chúa Giêsu, là cánh tay nối dài và là trái tim mở rộng của Chúa.

Thưa quý OBACE, qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta được Chúa gọi và sai đi như các môn đệ ngày xưa. Chúa muốn chúng ta nhiệt tâm ra đi nói về Chúa cho anh em trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Chúa cũng muốn chúng ta dám sống tâm tình phó thác cho Chúa, miệt mài với sứ mạng, không tìm kiếm thành công, danh vọng địa vị hay vật chất theo kiểu của thế gian, nhưng mang trong mình niềm tự hào vì được cộng tác với Chúa và là cánh tay nối dài của Chúa. Chúng ta được mời dám sống trong sự tin tưởng vào Chúa dù lúc thuận lợi hoặc khi gặp khó khăn, lúc người ta nghe và đón tiếp hoặc khi bị từ chối, xua đuổi. Chúng ta cũng được mời gọi đón nhận mọi trở ngại với tâm hồn bình an và tin rằng Chúa luôn ở với ta và trợ giúp ta trong sứ mạng lớn lao này.

Chúa đang sai các bậc cha mẹ vào trong các gia đình để yêu thương, rao giảng, kêu gọi mọi thành viên sám hối. Chúa cũng trao cho cha mẹ trách nhiệm xua trừ ma quỷ và sự xấu trong gia đình, đồng thời chữa lành bệnh tật của gia đình và trong tâm hồn các thành viên. Vì thế, chúng ta đừng chỉ mải mê tìm kiếm vật chất cho gia đình, mà hãy chuyên tâm vào việc canh tân biến đổi các thành viên trong gia đình nên tốt hơn, sống đúng với Tin Mừng hơn, làm cho gia đình trở nên yêu thương ấm cúng hơn

Các anh em Tin Lành rất nhiệt thành trong việc giới thiệu về Chúa cho người khác. Họ nói về Chúa ở khắp nơi, khi đi đường, lúc trên xe, lúc ngồi quán, dù bị từ chối hay được đón nhận. Còn những người Công Giáo lại không mạnh dạn nói về Chúa như họ. Phải chăng chúng ta không biết về Chúa Kitô và Tin Mừng của Người hay chúng ta còn bận vướng nhiều thứ khiến không thể nói về Chúa cách xác tín được? Qua Bí Tích Rửa Tội, mỗi người được Chúa sai đi làm chứng nhân cho Chúa. Chúng ta phải loan báo Tin Mừng Tình Yêu, sự tha thứ và ơn giải thoát cho thế giới này. Cho dù được thế giới đón nhận hay từ chối, chúng ta vẫn phải không ngừng nói về Chúa và đem tình yêu thương, lòng bao dung tha thứ vào trong xã hội hôm nay.

Có một người thắp một ngọn đèn và từng bước lên một ngọn tháp cao. Càng lên cao gió càng mạnh, khiến cho ngọn đèn run rẩy. Ngọn đèn thưa với ông chủ: “Thưa ông, ông đem con đi đâu?” Ông chủ đáp: “Ta đem con lên ngọn tháp”. Ngọn đèn đáp: “Thưa ông con bé nhỏ làm sao có thể đương đầu được với gió bão”. Ông chủ đáp: “Việc đó để ta lo”. Ngọn đèn lại năn nỉ: “Mình con làm sao có thể làm gì được?” Ông chủ lại trả lời: “Việc đó để ta lo”. Một lần nữa ngọn đèn lại năn nỉ: “Thưa ông con không thể làm được việc đó”. Ông nói với ngọn đèn: “Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng hết mình, còn việc khác để ta lo”. Lên đến đỉnh tháp, ông chủ đặt ngọn đèn vào giữa những tấm kiếng. Kỳ diệu thay, từ một ngọn đèn nhỏ khi được đặt vào giữa những tấm kiếng, nó trở thành một ngọn hải đăng chiếu ánh sáng để dẫn lối cho tàu bè đi lại.

Chúa cũng muốn chúng ta cứ cháy sáng hết mình. Còn các việc khác Chúa sẽ lo liệu. Amen.


Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*